Phương pháp giáo dục sớm 5K

Giáo dục sớm 5k là dự án được phát triển bởi Nhà NgóiP𝝅SM

Giáo dục sớm 5K là gì?

Giáo dục sớm 5K là phương pháp giáo dục sớm tập trung vào 5 yếu tố quan trọng nhất (5 Keys) trong sự phát triển của trẻ để mở ra những cánh cửa tương lai cho mỗi đứa trẻ.

Phương pháp giáo dục sớm 5k được nghiên cứu và phát triển dựa trên các lý thuyết về giáo dục sớm hàng đầu trên thế giới kết và được đơn giản hóa để có thể áp dụng rộng rãi với hiệu quả cao.

Các học thuyết được vận dụng trong việc xây dựng mô hình và các chuyên đề của giáo dục sớm 5K:

  • Học thuyết giá trị của Schwartz 
  • Tháp nhu cầu Maslow
  • Lý thuyết phát triển nhận thức của Vygotsky
  • Lý thuyết phát triển nhận thức của Jean Piaget
  • Học thuyết về sự phát triển con người của Erikson
  • Lý thuyết sinh thái của Bronfenbrenner

Các phương pháp thực hành giáo dục sớm được áp dụng:

  • Phương pháp giáo dục sớm của Montessori
  • Phương pháp giáo dục sớm của Glenn Doman
  • Phương pháp EASY của Tracy Hogg

Tầm quan trọng của giáo dục sớm

Giáo dục sớm ngày càng được các bậc cha mẹ chú trọng bởi sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nó lên tương lai của một đứa trẻ. Để định lượng rõ hơn sự khác biệt có thể tạo ra bởi giáo dục sớm, chuyên đề Giới hạn từ khi bắt đầu sẽ rất hữu ích cho bạn.

Phương pháp giáo dục sớm 5K (5 Keys)

Phương pháp giáo dục sớm 5K được xây dựng để giúp bạn có một cái nhìn khái quát nhất, đánh vào những yếu tố trọng tâm nhất trong giáo dục sớm. Phương pháp giáo dục sớm 5K không phải một lý thuyết riêng mà nó là sự tổng hợp các lý thuyết cũng như phương pháp, được đơn giản hóa thông qua mô hình và cụ thể hóa qua các chuyên đề.

Mô hình 5K

Mô hình 5k tập trung vào 5 keys – 5 yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển của trẻ. Phương pháp này tập trung vào sự phát triển toàn diện của trẻ. “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” – Hồ Chí Minh, mô hình được mô tả thông qua việc chăm sóc cây để các bậc cha mẹ dễ hình dung và ghi nhớ.

Giải thích mô hình

  • K1(Rễ cây): là hệ thống giá trị sâu thẳm trong mỗi con người, nó là nguồn gốc hình thành nhu cầu động lực và các mục tiêu trong cuộc sống. Phần rễ càng vững chắc bao nhiêu thì cây sẽ càng phát triển được mạnh mẽ
  • K2 (Thân cây): là hệ thống kỹ năng được rèn luyện trong quá trình phát triển, là nền tảng để hành động đạt được mục tiêu
  • K3 (Cành lá): là các hành vi, thói quen sống được chọn lọc phù hợp với giá trị và mục tiêu. Lá cành có thể thay đổi tùy vào thời thiết bên ngoài. Nó cũng phản ánh hệ thống từ rễ đến thân cây có thực sự vững chắc hay không.
  • K4 (Người dẫn dắt): là bố mẹ, ông bà, anh em, thầy cô giáo trực tiếp tương tác và kết nối với trẻ
  • K5 (Các điều kiện môi trường): môi trường ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ, một cái cây dù có sức sống mạnh mẽ cũng khó phát triển ở môi trường không thuận lợi, và mỗi loại cây sẽ phù hợp với điều kiện môi trường khác nhau.

MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC KEY

K1 Hệ giá trị là nền tảng nhất vì nó là gốc của nhu cầu, mục tiêu và động lực, trẻ có cảm thấy hạnh phúc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hệ giá trị này . K2 Hệ thống kỹ năng là công cụ quan trọng để trẻ hành động và chinh phục mục tiêu, K2 đòi hỏi sự rèn luyện và cả khả năng thiên bẩm của trẻ. K3 chính là hành động, hành vi và lâu dài hình thành thói quen, thói quen chính là số phận. K3 phản ánh toàn bộ những tầng lớp sâu thẳm bên trong, K3 chính là sự tích lũy để tạo ra sự thành tựu. K4 là người dẫn dắt, người giám sát, người tương tác để vừa theo dõi đảm bảo sự phát triển đúng hướng của trẻ, vừa hỗ trợ đẩy nhanh và nâng cao mức độ hiệu quả của các quá trình. K5 là điều kiện môi trường sống, nó ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ ngay từ khi trẻ được sinh ra.

Phân tích cụ thể các yếu tố

K1: Bộ rễ – Hệ giá trị

Cơ sở lý thuyết:

  • Tháp nhu cầu Maslow
  • Học thuyết giá trị của Schwartz
Tại sao giá trị lại quan trọng?

Vì giá trị chính luôn luôn nằm trong mối quan hệ tương quan với nhu cầu, giá trị là ý nghĩa của sự vật trên phương diện phù hợp với nhu cầu của con người. Khi nhận thức được đúng đắn giá trị người ta sẽ hình thành các nhu cầu mong muốn đạt được giá trị đó. Các nhu cầu này được cụ thể hóa thành các mục tiêu có thể đạt được với năng lực hiện tại. Các nhu cầu này chính là động lực thôi thúc con người ta hành động để đạt được mục tiêu. Khi đạt được mục tiêu, nhu cầu được thỏa mãn thì vòng lặp mới lại được bắt đầu, chúng ta sẽ đòi hỏi nâng tầm giá trị hay cũng chính là nâng tầm các mục tiêu lên cao hơn.

Do đó, có thể nói hệ giá trị của mỗi người chính là tấm bản đồ dẫn đường, thôi thúc họ hành động và khi các giá trị được thỏa mãn, họ tìm thấy niềm vui, sự hạnh phúc.

Ví dụ:

  • Giàu có là một nhu cầu được hình thành sau khi nhận thức được giá trị đồng tiền
  • Nhu cầu giàu có được cụ thể hóa thành các mục tiêu trong khả năng (1 năm kiếm 1 tỷ chẳng hạn)
  • Mong muốn giàu có sẽ thôi thúc bạn trau dồi, rèn luyện, làm việc để đạt được mục tiêu
  • Khi đạt được mục tiêu kiếm 1 tỷ bạn sẽ mong muốn nâng tầm giá trị hay chính là mục tiêu mới lên thành 2-3 tỷ 1 năm
  • Các giá trị, nhu cầu liên quan như ăn uống, thời trang, nhà xe, quyền lực, hình ảnh xã hội cũng sẽ đòi hỏi được nâng cao

Năm 1943, Maslow đã đề cập đến khái niệm Tháp nhu cầu nhằm phản ánh các nhu cầu của con người trong mối quan hệ tương quan về tầm quan trọng. 

Nhóm 1 gồm nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn: đây là nhóm nhu cầu đảm bảo con người có thể tồn tại được để hướng tới những nhu cầu cao hơn. Nhóm 2 gồm nhu cầu nâng cao mối quan hệ và nhu cầu được kính trọng: khi nhu cầu ở nhóm 1 đã được đáp ứng con người sẽ muốn mở rộng các mối quan hệ của mình. Dần dần, trong một nhóm người đó họ bắt đầu xuất phát nhu cầu muốn trở thành người đứng đầu để nhận được sự kính trọng. Nhóm 3 là nhu cầu thể hiện bản thân: khi mọi nhu cầu được đáp ứng con người bắt đầu muốn thể hiện mình.

Hiểu được các nhu cầu này chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá được bản chất của các hành vi và có hướng tác động phù hợp.

Học thuyết giá trị của Schwartz thì đề cập đa dạng hơn các giá trị phổ quát của con người. Đây là các giá trị nền tảng cơ bản, tùy theo hoàn cảnh và sự phát triển của từng cá nhân mà mức độ cần thiết với các giá trị khác nhau là khác nhau. Mỗi hành động của con người đều nhằm mục đích đạt được nhiều hơn một giá trị trong hệ giá trị, lúc đó sẽ có sự cân nhắc và sự đánh đổi giữa các giá trị.

Với trẻ nhỏ các giá trị này tập trung vào 5 nhóm chính: an toàn, tự định hướng, kích thích, hưởng thụ và tuân thủ – truyền thống. Các nhóm giá trị khác sẽ xuất hiện trong quá trình trưởng thành hoặc dưới dạng thức đơn giản hơn (ví dụ giá trị quyền lực sẽ được thể hiện dưới hình thức quyền được nêu ý kiến trong gia đình).

Cách thức rèn luyện và phát triển các nhóm giá trị này cũng khác nhau. Hai nhóm tự định hướng và kích thích sẽ phát triển tốt thông qua việc tự phát triển, hãy dành cho trẻ những khoảng thời gian độc lập, tự chơi, tự suy ngẫm và phát triển (tương tự với phương pháp trẻ tự chơi của Montessori). Ngược lại với nhóm tuân thủ-truyền thống lại đòi hỏi sự hướng dẫn từ cha mẹ, khuyến khích, trao thưởng và đôi khi là áp đặt để trẻ hình thành những giá trị như kỷ luật, lịch sự, khiêm tốn,…

Hiểu được nhu cầu của trẻ sẽ giúp các bậc cha mẹ biết cách tạo động lực cho trẻ. Hãy gieo mầm những giá trị vào cuộc sống hằng ngày, bạn sẽ bất ngờ với kết quả mà nó tạo ra.

Ví dụ: Hãy liệt kê toàn bộ những điều làm trẻ thích thú và hành động tích cực rồi phân bổ vào lịch sinh hoạt của trẻ, bạn sẽ không bao giờ phải lo trẻ nhàm chán hay cảm thấy bị áp đặt. Ví dụ: với giá trị “sáng tạo” thì là hoạt động vẽ tranh chẳng hạn, giá trị “thách thức” thì hay giao một nhiệm vụ khó cho trẻ và trao thưởng, giá trị “cuộc sống thú vị” thì hãy chuẩn bị một buổi picnic nhỏ cho cả gia đình vào dịp cuối tuần,…

Hệ thống giá trị này hoàn toàn có thể áp dụng vào chính cuộc sống của cha mẹ để chính chúng ta trở nên tốt hơn, từ đó là tấm gương cho con cái noi theo.

K2: Hệ thống kỹ năng

Cơ sở lý thuyết và phương pháp:

  • Lý thuyết phát triển nhận thức của Jean Piaget
  • Học thuyết về sự phát triển con người của Erikson
  • Các nguyên tắc giáo dục sớm của Montessori
  • Phương pháp giáo dục sớm của Glenn Doman

Trong hệ thống kỹ năng thì có thể phân ra làm 4 nhóm kỹ năng quan trọng:

  • Kỹ năng thể chất: vận động
  • Kỹ năng cảm xúc: yêu thương, vui vẻ
  • Kỹ năng tư duy: tư duy, logic, phán đoán, ngôn ngữ
  • Kỹ năng xã hội: giao tiếp, làm việc nhóm, phối hợp,…

Trên đây là 4 nhóm kỹ năng quan trọng cho trẻ, các kỹ năng được phát triển sớm sẽ giúp trẻ dễ dàng thành công hơn khi trưởng thành. Kỹ năng được hình thành chủ yếu thông qua rèn luyện. Có kỹ năng tốt là nền tảng cho trẻ đạt được các mục tiêu giá trị mà trẻ có nhu cầu. Phần áp dụng các lý thuyết và phương pháp vào phát triển kỹ năng cho trẻ tôi sẽ đề cập cụ thể hơn trong các chuyên đề, tránh việc phức tạp hóa mô hình khiến bạn đọc khó hình dung.

K3: Hành vi, thói quen

Phương pháp thực hành được đề cập: Phương pháp EASY của Tracy Hogg

Hành vi chính là phản ánh về cách trẻ nhận thức giá trị. Hành vi được lặp đi lặp lại sẽ hình thành thói quen. Thói quen được lưu trữ trong tiềm thức của bộ não nên có khả năng bảo vệ chính nó dù đó là thói quen tốt hay xấu. Hình thành thói quen tốt cho trẻ từ sớm chính là cách tạo nên số phận.

Hành vi, thói quen thể hiện rất sâu các tầng lớp bên dưới K1, K2. Bố mẹ hoàn toàn có thể căn cứ vào hành vi và thói quen để đánh giá xem việc phát triển giá trị và kỹ năng của trẻ đã hợp lý chưa. Bộ não chúng ta gồm 2 phần là ý thức và tiềm thức, khi nhận thức giá trị đủ sâu, rèn luyện đủ nhiều thì mọi thứ sẽ ăn sâu vào tiềm thức, khi bạn chủ động hơn trong cuộc sống mà không cần thúc ép, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

Nếu bạn là một bậc cha mẹ chăm chỉ tìm tòi các phương pháp nuôi dạy trẻ thì chắc hẳn phải biết tới phương pháp EASY, đây chính là một phương pháp áp dụng triệt để việc tạo thói quen sinh hoạt điều độ từ đó mang lại lợi ích cho chính bản thân trẻ và bố mẹ.

EASY là viết tắt của cụm từ: Eat – Activity – Sleep – Your time, có nghĩa là Ăn – Chơi – Ngủ – Mẹ thư giãn. Chu kỳ này được lặp đi lặp lại liên tục với sự điều chỉnh dần dần về thời gian tương ứng với sự phát triển thể chất của trẻ. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích và được áp dụng ở nhiều nước:

  • Thiết lập cho bé một lối sinh hoạt tốt, trẻ chủ động và tự tin hơn vì biết rõ các hoạt động trong ngày.
  • Mẹ hiểu bé hơn vì mọi sự khác thường đều thể hiện rõ qua phản ứng của bé. Mẹ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn.
  • Nếp sinh hoạt tốt là nền tảng cho các giai đoạn phát triển sau này của bé, góp phần tạo lập tính cách cho trẻ.

EASY chỉ áp dụng cho trẻ dưới 5 tuổi nhưng điều mà tôi muốn đề cập ở đây là dù ở độ tuổi nào kể cả là trưởng thành mỗi người cũng nên có các thói quen sinh hoạt tốt. Những thói quen tốt được lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ tạo ra một sự tích lũy rất lớn.

Hình thành thói quen tốt cho trẻ từ sớm chính là cách tạo nên số phận. “Gieo hành động, bạn sẽ gặt thói quen, gieo thói quen bạn sẽ gặt tính cách, gieo tích cách bạn sẽ gặt số phận”.

K4: Người dẫn dắt

Cơ sở lý thuyết: Lý thuyết phát triển nhận thức của Vygotsky

Lý thuyết nghiên cứu của Vygotsky cho thấy người dẫn dắt có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Trẻ có khả năng làm được việc tốt hơn khi có người hướng dẫn. Người dẫn dắt đầu tiên cho trẻ chính là bố mẹ, ông bà, anh chị em trong gia đình và sau này là thầy cô giáo. Người dẫn dắt cần có sự kết nối và thấu hiểu trẻ để tạo động lực và giúp trẻ phát triển đúng định hướng.

Chính trong phương pháp giáo dục sớm của Montessori cũng có đề cập đến việc cô giáo nên trộn lẫn trẻ ở các nhóm tuổi gần nhau nhằm mục đích cho trẻ học hỏi lẫn nhau. Điều này được Vygotsky lý giải rằng trẻ sẽ học hỏi tốt hơn với người có hiểu biết hơn trong vùng phát triển gần của trẻ.

  • Người hiểu biết hơn (More Knowledgeable Other – MKO): người hiểu biết hơn có thể là người có kiến thức vượt trội hơn hẳn (bố mẹ, thầy cô giáo) nhưng cũng là những người có trình độ nhỉnh hơn (anh em, bạn bè cùng trang lứa) hoặc trong thời kỳ công nghệ đó có thể là các thiết bị được lập trình phù hợp
  • Vùng phát triển gần (Zone of Proximal Development – ZPD): là khu vực mà các hướng dẫn/chỉ dẫn nhạy cảm nhất cần được cung cấp cho trẻ, điều đó giúp trẻ phát triển được các kỹ năng ở một trình độ cao hơn.

Không chỉ trẻ nhỏ mà chính người trưởng thành để thành công trong một lĩnh vực nào đó cũng nên có những người thầy, người lãnh đạo dẫn dắt. Cho nên các bậc cha mẹ phải chú ý điều này trong việc giáo dục sớm.

K5: Môi trường

Cơ sở lý thuyết: Lý thuyết sinh thái của Bronfenbrenner

Môi trường bao gồm tất cả các yếu tố bên ngoài, gồm cả chính gia đình, họ hàng, bạn bè thân quen và rộng hơn là khu vực sinh sống, trường học, chính sách giáo dục, chính sách xã hội, quyền trẻ em,…

Theo Bronfenbrenner thì tất cả những yếu tố kể trên sẽ được phân thành 5 hệ thống lồng ghép vào nhau:

  1. Hệ Vi mô (microsystem): là hệ thống bố trí nên cuộc sống cá nhân của mỗi đứa trẻ. Gồm: gia đình; những anh chị em, gia đình mở rộng; trường học; hàng xóm thân thiết;…Đây là các mối quan hệ trực tiếp với trẻ và có sự tác động mạnh mẽ trong các giai đoạn phát triển đầu tiên.
  2. Hệ Tương tác (mesosystem): được định nghĩa như sự tương tác giữa các hệ thống vi mô với nhau và kết nối cá nhân trẻ với các bối cảnh bên ngoài. Gồm: các tương tác giữa trải nghiệm trong gia đình với trải nghiệm ở trường học; trải nghiệm trường học với trải nghiệm tôn giáo; các quan hệ với các tiểu hệ thống trong gia đình…Ví dụ, Trẻ em có trải nghiệm về sự bỏ bê của cha mẹ có thể gặp khó khăn trong học tập ở nhà trường; mối quan hệ quá gắn bó với một thành viên trong gia đình có thể là nguyên nhân của sự rối loạn chức năng trong gia đình…
  3. Hệ Ngoại vi (exosystem): các trải nghiệm trong các thiết lập xã hội mà mỗi trẻ em không có vai trò hoạt động nhưng nó có ảnh hưởng đến các cá nhân trong bối cảnh gần gũi với trẻ. Ví dụ, (1) Những trải nghiệm công việc của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống trong gia đình, và đến trẻ chẳng hạn như: nhu cầu đi du lịch, stress trong công việc, áp lực các hóa đơn phải cho trả…; (2) Chính phủ ra những chính sách đầu tư làm công viên, thư viện để tạo môi trường cho hệ vi mô phát triển, từ đó tạo không gian phát triển có lợi cho trẻ.
  4. Hệ Vĩ mô (macrosystem): là những thái độ hay các hệ thống tư tưởng trong nền văn hóa mà cá nhân trẻ đang sinh sống
  5.  Hệ Thời gian (chronosystem): (1) Sắp xếp các sự kiện của môi trường và các thay đổi đặc biệt trong suốt cuộc sống; các tác động bởi thời gian và các giai đoạn phát triển then chốt. (2) Các điều kiện lịch sử – xã hội.

Lựa chọn môi trường tốt sẽ giúp trẻ nhận thức đúng đắn, phát triển toàn diện kỹ năng, nâng cao cơ hội thành công, trở thành công dân có ý thức trách nhiệm cộng đồng, xã hội cao hơn.

Ghi chú:

  • Phương pháp giáo dục sớm 5K không phải là phương pháp lý thuyết giáo điều, chúng tôi luôn nỗ lực đơn giản hóa các kiến thức học thuật thành những chuyên đề, những bài thực hành đơn giản mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có thể áp dụng và thành công.
  • Đây là phương pháp mang tính hệ thống, bao quát và toàn diện về các yếu tố quan trọng trong thực hành giáo dục sớm. Bạn sẽ không phải đau đầu học theo anh A, học theo chị B và bị hỗn loạn trong ma trận kiến thức mang tính marketing như hiện nay.
  • Mô hình 5K là mô hình tổng quát, các chuyên đề cụ thể sẽ là bài thực hành. Bạn cần hiểu mô hình để có cái nhìn tổng quan, hiểu lý chuyên đề để có thể vận dụng linh hoạt vào thực tế.

Shopping Cart